[GNVC - THPTQG] VĂN BẢN THƠ & 10 CÂU HỎI ĐỌC HIỂU THƯỜNG GẶP

 

1. Nhận biết các thể thơ:

a) Lục bát: Cặp câu 6-8 liên tục

b) Song thất lục bát: Cặp song thất (7 tiếng) và cặp lục bát (6-8) luân phiên kế tiếp nhau.

c) Ngũ ngôn Đường luật:

- Ngũ ngôn tứ tuyệt (5 tiếng 4 dòng)

- Ngũ ngôn bát cú (5 tiếng 8 dòng)

d) Thất ngôn Đường luật:

- Thất ngôn tứ tuyệt (7 tiếng 4 dòng)

- Thất ngôn bát cú (7 tiếng 8 dòng)

e) Tự do: Số tiếng, câu không tuân theo quy định.

f) Một số thể thơ khác: bốn chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ

=> Dựa vào số tiếng để gọi tên thể thơ.

Cách trả lời:

- Dấu hiệu nhận biết của thể thơ là: Nêu số tiếng trong một dòng, số câu trong một đoạn.

- Đoạn/bài thơ trên được viết theo thể thơ: ______(tên thể thơ)


2. Xác định nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình trong bài thơ

- Nhân vật trữ tình là người trực tiếp bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

- Trong thơ, nhân vật trữ tình thường là tác giả, nhưng không phải lúc nào cũng trùng với tác giả.

- Phân biệt nhân vật trữ tình với nhân vật trong thơ trữ tình: Nhân vật trong thơ trữ tình hiện diện trực tiếp trong bài thơ nhưng không phải chủ thể của cảm xúc hay tâm trạng trong bài thơ. Nhân vật trong thơ trữ tình chỉ là đối tượng khơi dậy cảm xúc hay tâm trạng của nhân vật/chủ thể trữ tình.


3. Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh thể hiện/ diễn tả...

- Phát hiện hình ảnh: Thường là danh từ, cụm danh từ.

- Phát hiện từ ngữ: Lọc ra những đơn vị từ ngữ. Chú ý đến yêu cầu tìm từ theo loại từ (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ...)

- Lưu ý: Tìm và gạch chân các từ ngữ, hình ảnh liên quan đến yêu cầu của đề bài. Tránh chép lại nội dung dài dòng. Không được chép cả câu.


4. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ/ đoạn thơ

- Gọi đúng tên BPTT. Chỉ ra dấu hiệu nhận biết, từ ngữ thể hiện BPTT đó.

- Phân tích tác dụng:

+ Nội dung: Nhấn mạnh_____(ND được đề cập). Qua đó thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả_____(yêu mến/ trân trọng/ ngợi ca/ thương xót/ đồng cảm...)

+ Nghệ thuật: Giúp cho diễn đạt tăng sức gợi hình, gợi cảm, sinh động, hấp dẫn, hàm súc/tế nhị, uyển chuyển/dí dỏm, hài hước/tạo nhịp điệu hài hòa/ giọng điệu băn khoăn trăn trở____(tùy vào từng biện pháp mà lựa chọn từ ngữ cho phù hợp)


5. Giải thích/ nêu ý nghĩa, giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu, câu thơ trong bài thơ.

- Nghĩa hiển ngôn/ nghĩa gốc/ nghĩa bề mặt (điều nhà thơ thể hiện trực tiếp ở ngôn từ)

- Nghĩa hàm ngôn/ nghĩa chuyển/ nghĩa sâu xa (tình cảm của nhà thơ, điều nhà thơ gửi gắm qua ngôn từ)


6. Nhận xét tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ, đoạn thơ

- Chỉ ra đặc điểm tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

- Nhận xét về tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình.


7. Nêu cảm hứng chủ đạo, chủ đề, tư tưởng, thông điệp của bài thơ

- Cảm hứng chủ đạo: Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn lền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc người đọc.

- Chủ đề: Là vấn đề chủ yếu, trọng tâm được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm trong tác phẩm.

- Tư tưởng: Là nhận thức, lí giải và thái độ của người viết đối với toàn bộ nội dung văn bản.

- Thông điệp: Là điều tác giả gửi gắm qua tác phẩm mà người đọc nhận ra.

Cách trả lời:

- Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là_____(Ghi ra những tình cảm, cảm xúc của tác giả trong thơ)

- Chủ đề trong bài thơ là_____(Ghi ra vấn đề được nói đến trong tác phẩm)

- Tư tưởng trong bài thơ là_____(Ghi ra thái độ, tình cảm của tác giả với chủ đề đã nêu lên)

- Thông điệp trong bài thơ là_____(Ghi ra điều tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông qua tác phẩm)


8. Nêu tác dụng của yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình

- Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình là những chi tiết, hình ảnh cụ thể gợi lên những ý niệm trừu tượng và giàu triết lí, đánh thức suy ngẫm của người đọc về bản chất sâu xa của con người và thế giới.

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Tính biểu tượng của các hình ảnh, chi tiết, sự việc...

+ Việc sử dụng biểu tượng, hình ảnh NT so sánh, ân dụ...

+ Sáng tạo về ngôn từ

+ Tính nhạc trong thơ

Cách trả lời:

- Chỉ ra yếu tố tượng trưng trong đoạn thơ

- Tác dụng:

+ Giúp cho câu thơ sinh động, hấp dẫn, gợi cảm, tạo những liên tưởng thú vị sâu sắc.

+ Làm nổi bật rõ nội dung (chỉ rõ nghĩa tả thực và nghĩa biểu tượng), cảm xúc của nhân vật trữ tình. Qua đó thấy được tài năng của nhà thơ.


9. Rút ra bài học về tư tưởng, nhận thức, rút ra thông điệp cho bản thân.

Cách trả lời: Thi phẩm khép lại nhưng cũng đồng thời mở ra cho độc giả những bài học quý giá. Đối với tôi, thông điệp ý nghĩa nhất có lẽ là ______(tên bài học/ thông điệp). Sở dĩ em chọn thông điệp/ bài học này vì________


10. Bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm của tác giả hoặc nội dung của tác phẩm.

Cách trả lời:

- Em đồng tình với quan điểm trên (Hoặc: Em không đồng tình/ có phần đồng tình, có phần không đồng tình)

- Lí giải

+ Đồng tình: Chỉ ra tính đúng đắn, tầm quan trọng của vấn đề nêu trong quan điểm.

+ Không đồng tình: Chỉ ra mặt trái của vấn đề

+ Vừa đồng tình vừa không đồng tình: Kết hợp cả hai cách trên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[GNVC] 100 nhận định lí luận văn học về văn xuôi

[CNVC - Mật ngọt văn chương] LIỆU CÓ CON ĐƯỜNG NÀO CHO ƯỚC MƠ TÔI...

[GNVC - THPTQG - DGNL] MỘT DẪN CHỨNG - NHIỀU DẠNG ĐỀ TỪ CÂU CHUYỆN BÁC SĨ VIỆT NAM THÔNG TIN BÀO THAI THÀNH CÔNG CHO SẢN PHỤ SINGAPORE